Từ bao đời nay, nhắc đến nông thôn người ta sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh hiền hòa, thanh bình, nơi đó con người luôn sống gần gũi, thương yêu nhau, mối quan hệ luôn đặt trên nền tảng tình làng - nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn” có nhau. Tuy nhiên, những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, khó khăn về sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, nhất là ở nông thôn. Trong thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân nên đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác bảo vệ an ninh trật tự. Nhưng từng lúc, từng nơi tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Tại kỳ họp thứ Ba HĐND tỉnh, trong phiên thảo luận ở Hội trường và phiên thảo luận Tổ của đại biểu HĐND tỉnh, vấn đề an ninh trật tự ở nông thôn được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận và kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh. Nhiều đại biểu cho rằng, tình hình tội phạm về ma túy, trật tự an toàn xã hội có dấu hiệu gia tăng, tội phạm về ma túy hoạt động rất tinh vi và đã len lỏi vào những vùng nông thôn; vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra quá nhiều, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 585 vụ, liện quan đến 1.880 đối tượng. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, đá gà,… xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Điều mà nhiều cử tri rất bức xúc hiện nay là những đối tượng vi phạm pháp luật bị xử lý quá nhẹ (chủ yếu là xử phạt hành chính), rồi sau đó tiếp tục vi phạm pháp luật nhưng “không thấy ai” xử lý. Đặc biệt, có trường hợp những đối tượng tổ chức hoạt động đá gà, cờ bạc hoặc số đề… trước khi lực lượng chức năng của địa phương đến xử lý thì họ đã “tự biết để giải tán”!. Từ đó, dư luận rất băn khoăn, nghi ngờ, mất lòng tin vào sự quản lý của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, tình hình trộm cắp tôm, cua, cá, gia súc, gia cầm, xuồng máy,… của nhân dân ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhưng việc thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này chưa thực sự hiệu quả. Tình hình sản xuất của nhân dân gặp khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt…

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở nông thôn, các ngành chức năng cần tích cực thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm, triệt để những hành vi vi phạm pháp luật, để răn đe, ngăn ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật và để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự quản lý của chính quyền địa phương.

Song song đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm; chỉ đạo tuyên truyền vận động đến các đoàn thể, tổ chức quần chúng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan